“Vì là sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nên trước tiên phải ngon và sạch. Du khách đến đây hái được bao nhiêu thì cân tính tiền bấy nhiêu, và có thể ăn trái dâu ngay tại vườn”.
Chúng tôi có dịp ghé thăm vườn dâu tây cạnh hồ A Thuỷ điện Vĩnh Sơn ở làng K2, xã Vĩnh Sơn. Tại đây, khách hàng được tận mắt ngắm dâu tây chín mọng, tự tay hái và thưởng thức những quả dâu ngọt thanh, căng mọng…
Vườn dâu tây ở xã Vĩnh Sơn là mô hình trồng thử nghiệm của anh Bùi Ngọc Thanh ở làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Từng có thời gian hợp tác làm homestay trên Tây Nguyên, anh Thanh đã mạnh dạn vay vốn đầu tư làm nông trại với mục đích mở homestay ở quê mình. Theo anh Thanh, việc kết hợp giữa du lịch trải nghiệm với sản xuất sẽ giúp sản phẩm nông nghiệp được tiêu thụ thuận lợi, nâng cao đáng kể giá trị kinh tế và thu nhập cho gia đình.
Nông trại của anh Bùi Ngọc Thanh có địa thế khá đẹp nằm canh hồ A Vĩnh Sơn, trên diện tích hơn 10 sào đất, anh quy hoạch trồng chanh dây, măng tây và đặc biệt là cây dâu tây lần đâu tiên đưa vào trồng trên vùng đất Vĩnh Sơn đã cho kết quả đáng mừng.

Anh Thanh đang chăm sóc dâu tây
Ông Đinh Văn Ngái - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, nhận xét: “Không chỉ đạt về năng suất, mà chất lượng trái không thua gì dâu tây Đà Lạt. Hiện giá bán tại Vĩnh Sơn 220.000đ/kg. Trồng dâu tây là một mô hình mới ở Vĩnh Sơn, bước đầu đã ghi nhận những kết quả khả quan mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân”.
Sau thời gian thử nghiệm trên quy mô nhỏ, cuối năm 2022, anh Thanh quyết định vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Thạnh để mở rộng mô hình. Là cây trồng mới, ưa khí hậu lạnh, cây dâu tây đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật khá cao và điều kiện thâm canh đặc biệt để tạo ra các sản phẩm sạch, có thể sử dụng ngay.
Cây dâu tây có thể sinh trưởng tốt từ đầu tháng 10 năm trước đến cuối tháng 4 năm sau. Trung bình mỗi gốc, có thể cho thu hoạch 6 lứa, đạt 1,5 - 2 kg quả. Nếu chăm sóc tốt thì mỗi héc-ta dâu tây có thể đạt giá trị 300 triệu đồng/vụ. Hiện, anh Thanh đang kết hợp giữa trồng thu hoạch quả với việc làm du lịch trải nghiệm.
Anh Thanh cho biết: “Vì là sản phẩm nông nghiệp gắn với du lịch nên trước tiên phải ngon và sạch. Du khách đến đây hái được bao nhiêu thì cân tính tiền bấy nhiêu, và có thể ăn trái dâu ngay tại vườn”.
Nhiều người biết đến vườn dâu tây đã ghé thăm, ngoài mua quả còn chụp ảnh lưu lại trải nghiệm hái dâu tây thú vị. Hiện nay, vườn dâu tây vẫn đang cho ra những quả to, đẹp, đỏ mọng. Hằng ngày, ngoài khách đến vườn để mua, anh Thanh vẫn hái và ship cho khách hàng ngoài huyện. Dâu tây hiện có giá dao động từ 200- 220 nghìn đồng/1kg. Ngoài ra, anh Thanh còn bán cây dâu tây đã lớn, đang ra quả cho khách hàng có nhu cầu, mỗi bầu cây giá 25 nghìn đồng.

Du khách đến vườn trải nghiệm thu hoạch dâu tây
Thời gian qua, người dân xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhiều diện tích đất đã được đưa vào trồng các loại rau màu, hoa ôn đới. Trồng dâu tây là mô hình mới, được người dân ở đây hết sức quan tâm, nhiều bà con đã đến học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật, để trồng sản xuất vào những năm sau.
Để triển khai nhân rộng các mô hình một cách hiệu quả, vấn đề vốn luôn là điều kiện quan trọng nhất, đặc biệt là đối với các thanh niên đang khởi nghiệp. Bà Nguyễn Thị Lương Nguyệt – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Thạnh đang triển khai nhiều chính sách cho vay ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Trường hợp của anh Bùi Ngọc Thanh này là một ví dụ, năm ngoái chúng tôi đã thẩm định hồ sơ và giải ngân cho anh Thanh 100 triệu đồng để đầu tư làm nông trại, qua kiểm tra, chúng tôi thấy mô hình đầu tư của anh Thanh khá hiệu quả. Tại Vĩnh Sơn, cũng đã có rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt và chăn nuôi, kết quả mang lại rất đáng mừng”.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dâu tây chính là động lực để anh Thanh và người dân Vĩnh Sơn tiếp tục kết hợp với việc trải nghiệm, tham quan du lịch gắn với việc tiêu thụ sản phẩm.