Chào mừng các bạn đến với trang thông tin điện tử của UBND huyện Vĩnh Thạnh
Lễ hội – làng nghề
   A+ =A -A

Lễ hội đâm trâu của người Bana

19/06/2023 - 11:09

 

Hàng năm, từ tháng chạp đến tháng ba âm lịch, dân tộc Bana theo truyền thống mở lễ hội tạ ơn Giàng là đấng thần linh tối cao của họ. Người Bana gọi lễ ấy là Koh Kpô hay Groong Kpô Tonơi, tiếng Việt gọi là Lễ hội đâm trâu.

Khi tổ chức Lễ hội đâm trâu, già làng chọn bãi đất rộng, bằng phẳng thuộc địa phận buôn làng mình để dựng giàn tế là một quần thể gồm: Một cây tre (hoặc gỗ) cao, thẳng, còn nguyên ngọn, gốc được chôn vững vàng gọi là nêu, sát bên cây nêu là một cột lớn rắn chắc bằng cây muôn hay cây plang, cũng được chôn chặt để đỡ cây nêu và dùng vào việc buộc trâu; nhưng nếu chọn được cây săn thẳng, đủ vững chắc để làm nêu thì không cần trụ buộc trâu nữa. Và quanh cây nêu còn trồng 4 hay 8 trụ gỗ tròn, cao độ 3 mét, đường kính khoảng 15cm. Các trụ gỗ này được bố trí theo hình hoa thị đối xứng từng cặp và trang trí thành những vành khuyên sơn màu đen, trắng, xanh, đỏ xen kẽ nhau. Ở đầu các trụ gỗ có các thanh ngang buộc nối hai trụ lại với nhau, cấu kết theo thế liên hoàn vững chắc. Dọc theo chân cây nêu có các dây buông dài, tết bằng lạt tre buộc những tấm nan hình tam giác và các ống tiêu gió bằng cây lồ ô đưa vi vu trước gió. Trên cùng cây nêu có treo túi thiêng, tiếp theo là cánh phướn đan bằng lạt giang, biểu tượng cho chim đại bàng - hình ảnh của sức mạnh và trí tuệ.

Theo phong tục, trước đây Lễ hội đâm trâu thường được tổ chức trong ba ngày, hai ngày đầu tại giàn tế, ngày cuối ở sân nhà rông. Ngày thứ nhất, người ta dắt một con trâu to béo, đầy sức lực đến giàn tế, nối cổ trâu vào cột tế bằng một dây thừng bện thật chắc, dài độ 2 mét. Dân trong làng và người xem đứng bao quanh giàn tế thành một vòng tròn rộng.

Giờ hành lễ bắt đầu, dàn cồng rộn rã nổi lên chen lẫn âm thanh của bộ chiêng rền vang, kết hợp với bộ trống lớn dồn dập, dậy lên bản giao hưởng hùng tráng như tiếng gọi từ hồn thiêng ngày hội.

Người chủ trì ngày hội là già làng đứng gần cột buộc trâu. Thanh niên nam nữ đánh chiêng, cồng, múa đứng sau lư­ng người chủ lễ. Khi già làngkhấn xong (nội dung bài khấn: cầu xin thần trời, thần nước, thần núi, thần sông hãy lên đây chứng kiến ngày hội đâm trâu này, cầu xin các thần hãy phù hộ cho dân làng trồng được nhiều lúa,nuôi được nhiều trâu bò. Xin các thần xuống buôn làng ăn thịt trâu và uống r­ượu cần ngọt).Tiếng chiêng, cồng bắt đầu nổi lên hoà với tiếng hú của dân làng. Cảnh buôn làng trở nên rộn ràng, sinh động.Suốt đêm hôm đó, họ ăn thịt lợn, uống rư­ợu, múa và đánh chiêng, cồng không biết mỏi chân, mỏi tay.

Ngày thứ hai, cả buôn tập trung bao quanh giàn tế để làm lễ hiến sinh. Lần này trai tráng trong buôn vào cuộc. Họ cầm vũ khí và khiên, la hét, dồn đuổi con trâu chạy quanh giàn tế. Họ thi nhau phóng lao, đâm giáo vào con vật tế thần. Lòng dũng cảm và sự khôn khéo của họ được thể hiện qua cách săn đuổi con mồi, và phần thưởng chiến thắng dành cho chàng trai nào lựa được thế, đâm thẳng tim con vật gục xuống chết ngay. Già làng cầm bát đồng hứng máu tươi, hoà với rượu dâng thần linh. Tiếng hú mừng chiến thắng lại một lần nữa vang trời dậy đất. Tiếng chiêng, cồng càng nổi lên rộn rã thúc giục mọi người đến xem cảnh đâm trâu truyền thống.Các thanh niên nam nữ xếp hàng dọc, tay cầm gậy múa điệu múa dành riêng cho lễ hội đâm trâu, đi vòng quanh giàn tế theo chiều ngược kim đồng hồ, vị già làng đứng vai chủ tế dẫn đầu các vị cao tuổi (chừng 5, 6 người), mặc lễ phục sặc sỡ từ từ tiến đến giàn tế, quỳ khấn vái thần Giàng. Vòng xoang của những chàng trai, những cô gái Bana quanh con trâu được thít chặt dần theo tiếng cồng chiêng rộn rã, thúc giục… Sau cuộc nhảy múa này, họ bắt đầu đâm trâu.Tiếp theo bài khấn là lễ Hiến tế, một người mạnh mẽ nhất trong ban tế lễ, tay cầm giáo, tay cầm khiên bước ra khỏi hàng, lựa thế đâm một nhát vào con vật tế thần. Tuy bị thương nhưng trâu vẫn còn sức mạnh, cố bứt dây chạy thoát nhưng không được, đành chạy vòng quanh giàn tế. Mọi người trong buôn đồng loạt hú lên, rung chuyển cả núi rừng và đi quanh giàn tế đánh cồng, múa hát đến chiều tối mới mãn.

Trâu được xẻ thịt ngay tại chỗ, chọn thịt ngon và toàn bộ lá gan chia đều cho năm nhóm rồi vảy máu đã hoà rượu, cung kính đặt trên bàn thờ thần Giàng. Già làng đứng ra khấn bái. Xong lễ, gan trâu được chia đều cho tất cả trai tráng trong buôn. Họ tin rằng ăn gan đó sẽ tăng cường sức mạnh và lòng dũng cảm vì đã có thần Giàng chứng nhận.

Cuộc ăn uống vui chơi kéo dài cho đến ngày thứ hai. Sau đó, đồng bào tổ chức lễ rư­ớc đầu trâu lên nhà rông. Đầu trâu được họ pha ra làm món ăn. Riêng sừng được giữ lại và giắt lên vách nhà rông. Trong ngày thứ hai này, họ cùng hoà tiết với r­ượu để rửa những vật quý được giữ trong nhà rông. Ngày này chủ yếu là vui chơi, múa hát trong nhà rông. Những người tham dự phần lớn là người đứng tuổi và các ông già.

Ngày thứ ba, túi thiêng trên cây nêu được rước về thờ ở nhà Rông, đặt ngay chỗ để vò rượu chính. Già làng làm lễ khấn xong, gọi mọi người đến uống rượu này vì tin rằng ảnh hưởng của túi thiêng đã hoà trong rượu, uống vào sẽ tiêu trừ những rủi ro bệnh tật. Họ còn tổ chức những trò chơi thượng võ ngay trước sân nhà Rông như bắn cung, bắn ná, phóng lao, đấu võ... cuộc vui suốt ngày và kéo dài đến thâu đêm suốt sáng.

Lễ hội đâm trâu của người Bana ngày nay đã rút ngắn còn một ngày đêm, con vật chịu lễ được các tay thiện nghệ nhanh chóng đâm chết, không còn cảnh săn đuổi kéo dài sự hãi hùng đau đớn và người dự lễ hội đỡ bị căng thẳng thần kinh vì thương cảm.

Xếp hạng bài viết
Click để đánh giá bài viết
HỒ SƠ HÀNH CHÍNH CÔNG
HINH ẢNH
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THẠNH

Địa chỉ: Thị trấn Vĩnh Thạnh - huyện Vĩnh Thạnh - tỉnh Bình Định

Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Huỳnh Đức Bảo – Phó Chủ tịch UBND huyện

@ Bản quyền thuộc về: ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN VĨNH THẠNH

Liên hệ
  • Điện thoại: 056.38886374

  • Email: vanphong@vinhthanh.binhdinh.gov.vn