Giải pháp chuyển đổi số nhằm thúc đẩy cải cách hành chính trên địa bàn huyện
14/11/2024 - 10:46
Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Công cuộc chuyển đổi số, hiện đại hóa hành chính góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính địa phương; giảm thời gian và chi phí từ ngân sách; nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Xác định chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân nhận thấy công nghệ là hữu ích, thiết thực, trong thời gian qua, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo về xây dựng, phát triển chính quyền số và xã hội số, kinh tế số đảm bảo tính khả thi, sát với đặc điểm, tình hình và nhu cầu phát triển của huyện; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đồng thời đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân thông qua tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số, đưa người dân lên môi trường số để người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó thúc đẩy chính quyền chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Với phương châm: “nhận thức" là quyết định, “người dân, doanh nghiệp" là trung tâm, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như tại các lớp tập huấn, các hội nghị trực tiếp, trực tuyến; trên trang thông tin điện tử, trên hệ thống truyền thanh từ huyện xuống các xã, thị trấn; trên các nền tảng mạng xã hội và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của toàn dân. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tập huấn về kiến thức chuyển đổi số cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, 100% thành viên tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn; cử cán bộ tham gia tập huấn chuyển đổi số do tỉnh tổ chức.
Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai đảm bảo liên thông được 4 cấp chính quyền. Đến nay, 100% các phòng, ban, UBND huyện, UBND các xã, thị trấn đã ứng dụng phần mềm vào công tác chỉ đạo, điều hành và gửi, nhận văn bản điện tử liên thông. Hệ thống phòng họp trực tuyển tiếp tục phát huy hiệu quả trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành các cấp mang lại hiệu quả cao trong công tác chỉ đạo, điều hành và tiết kiệm thời gian, chi phí. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính huyện cung cấp 100% dịch vụ công đủ điều kiện lên trực tuyến toàn trình và cập nhật đầy đủ các thủ tục hành chính của huyện; công khai toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể tham gia sàn giao dịch điện tử…
Để việc chuyển đổi số đạt hiệu quả trong những năm tiếp theo, huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về chuyển đổi số, tuyên truyền về lợi ích của các dịch vụ số mang lại cũng như lộ trình xây dựng chính quyền số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số của huyện trong những năm tới. Triển khai các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ cho các hệ thống thống thông tin do huyện triển khai. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo, thực hiện đối với nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số tích cực, hiệu quả; đưa yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm. Các ngành triệt để sử dụng các sản phẩm phần mềm do tỉnh, do bộ, ngành đầu tư triển khai theo ngành dọc, bảo đảm đồng bộ.
Bài viết: Xuân Dũng