Tiếp tục tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính
22/06/2023 - 10:38
Cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với những giải pháp trọng tâm mang tính đột phá. Đây được được xác định là nhiệm vụ chủ yếu, then chốt của công tác cải cách hành chính trong tình hình hiện nay. Việc này được Tỉnh ủy khẳng định thông qua việc ban hành Chương trình hành động số 09 “Cải cách hành chính, trong đó trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC giai đoạn 2020 - 2025”.
Trong năm 2022, công tác cải cách TTHC tiếp tục được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, đi vào thực chất, có chiều sâu và mang lại nhiều kết quả rất tích cực.
Đầu tiên, có thể kể đến việc UBND tỉnh đã ban hành 2 đề án: “Thực hiện cơ chế giao DN đảm nhận nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC” và “Đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN trong giải quyết TTHC”.
Nội dung cốt lõi của các đề án này là huy động nhiều nguồn lực vào công tác cải cách TTHC để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN. Nội dung các đề án bao gồm một số giải pháp mang tính đột phá, có thể nói là chưa có tiền lệ, mạnh dạn đổi mới phương thức phục vụ người dân, DN thực hiện TTHC theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc chủ động nắm bắt, chủ động giải quyết nhu cầu, nhất là các nhu cầu mang tính thiết yếu liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, cơ bản của người dân; thay vì chờ người dân đề nghị mới xem xét, giải quyết như trước đây.
Thứ hai, UBND tỉnh đã ban hành 2 quy định liên thông TTHC: “Liên thông nhóm TTHC trên lĩnh vực Tư pháp - Việc làm” và “Liên thông nhóm TTHC Cấp giấy phép kinh doanh karaoke”. Như vậy, kể từ khi thực hiện Chương trình hành động 09 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 5 quy định thực hiện liên thông các nhóm TTHC để phục vụ người dân, DN.
Cơ chế xử lý công việc của các quy định liên thông này là tiếp nhận đồng thời, giải quyết song song nhiều TTHC liên quan đến nhau (kết quả giải quyết thủ tục này là thành phần hồ sơ đầu vào của thủ tục khác). Nhờ đó, cắt giảm rất đáng kể tổng thời gian giải quyết so với phương án thực hiện đơn lẻ từng TTHC, tạo điều kiện tối đa cho người dân, DN thông qua việc cắt giảm tối đa số lượt đi lại.
Thứ ba, tăng cường chuyển đổi số trong công tác giải quyết TTHC phục vụ hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến. Theo đó, “Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh” đã kết nối với 10 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành của bộ, ngành Trung ương để kết nối, chia sẻ thông tin phục vụ công tác giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến. Đáng chú ý, Bình Định là 1 trong 20 tỉnh, thành phố sớm hoàn thành việc kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch và Văn phòng UBND tỉnh đã có hướng dẫn cụ thể về việc số hóa hồ sơ TTHC tại bộ phận Một cửa các cấp. Nhiệm vụ này không những góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số đối với công tác giải quyết TTHC, mà còn thực hiện mục tiêu “người dân, DN không phải cung cấp lại thông tin, giấy tờ hồ sơ khi thực hiện thành công TTHC trước đó” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo triển khai hiệu quả Đề án “Phát huy vai trò của ĐVTN trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến”. Qua theo dõi, đánh giá, số lượng hồ sơ trực tuyến kể từ sau khi thực hiện Đề án tăng 64% so với giai đoạn trước đó. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của tỉnh Bình Định trong năm 2022 đạt khoảng 54%; đạt chỉ tiêu quy định tại Chương trình hành động số 09 của Tỉnh ủy về cải cách hành chính và tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 (quy định tỷ lệ 50%).
Bên cạnh sự quan tâm của người dân và các cơ quan báo chí, Văn phòng Chính phủ cũng ghi nhận, đánh giá cao sự quyết liệt của UBND tỉnh trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính nhằm khắc phục hiệu quả tình trạng giải quyết hồ sơ TTHC trễ hẹn trên địa bàn tỉnh, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch và tăng cường sự giám sát của nhân dân đối với sự phục vụ hành chính của các cơ quan, đơn vị.
Kế hoạch công tác cải cách TTHC năm 2023 với kịch bản rất cụ thể, chi tiết. Trong đó, có 3 vấn đề mang tính trọng tâm, cốt lõi. Theo đó: Một là, tập trung rà soát, đánh giá, cắt giảm tối đa thành phần hồ sơ TTHC gắn với tái cấu trúc, tối ưu hóa các quy trình giải quyết, nhất là cơ chế thực hiện liên thông các TTHC. Cùng với đó là tiếp tục nghiên cứu, sử dụng hiệu quả việc chia sẻ, trao đổi thông tin, dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gắn với công tác số hóa thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC để phục vụ cho việc cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người dân, DN.
Hai là, tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các đề án liên quan đến TTHC đã được UBND tỉnh phê duyệt, góp phần đổi mới thực chất công tác giải quyết TTHC, trong đó có việc đổi mới hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã.
Ba là, tận dụng, khai thác tối đa hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công của tỉnh trong việc cung cấp các dịch vụ công thiết yếu và dịch vụ thanh toán trực tuyến. Hiện nay, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập cơ bản hoàn thiện chức năng đăng ký sử dụng dịch vụ cung cấp nước, thu gom rác thải gắn với thanh toán phí sử dụng dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh.
Bài viết: Xuân Dũng